Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Trị bệnh bằng nước nóng

Bên cạnh công dụng tắm thư giãn, làm ấm cơ thể trong mùa lạnh, nước nóng còn được dùng như một liệu pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng của một số bệnh và giúp làm đẹp.



 

Trị viêm họng

Mùa lạnh rất dễ bị viêm họng, vì đây là “cửa ngõ” đầu tiên tiếp xúc khí lạnh. Ngay khi có cảm giác nuốt đau, bạn nên dùng nước muối ấm để vệ sinh vùng hầu họng, làm giãn mạch máu, giúp bạch cầu đến "trận địa" nhiều hơn.

Chú ý: khi pha nước muối, chỉ cần vị hơi mằn mặn như nước biển là được. Sau đó ngậm nước đầy miệng, ngửa cổ và "khò”, rồi nhổ bỏ. Làm vài lần động tác này trong ngày và trước khi đi ngủ song song với giữ ấm vùng cổ, bạn sẽ thấy cơn đau dịu dần rồi mất hẳn.

Xông mũi, chữa đau nhức

Nước mũi chảy gây cảm giác khó chịu, có thể cản dòng nước này bằng cách xông mũi. Pha nước trà hoa cúc, tinh dầu oải hương, bạc hà (mua ở nhà thuốc Đông y) vào ly rồi xông nhẹ.

Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM khuyên, không nên dùng dầu khuynh diệp hoặc các tinh dầu mùi nồng, sẽ ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc mũi.

Cảm lạnh kèm sổ  mũi có thể hết ngay nếu ngâm mình trong bồn nước ấm nóng. Độ ấm nóng của nước tùy vào bản thân của từng người (hãy lắng nghe ý kiến từ cơ thể để chọn cho mình nhiệt độ phù hợp). Ngâm người trong khoảng 10 phút, nếu có thêm mùi tinh dầu và âm nhạc ưa thích thì cảm lạnh càng dễ bị đẩy lùi. Trong trường hợp cơ thể của bạn bị đau nhức, hãy tắm bằng vòi sen phun tia mạnh. Tia nước nóng sẽ giúp tăng cường tuần hoàn, thúc đẩy nhanh quá trình đào thải chất cặn bã trong tế bào, giảm nhanh cơn đau.

Chữa đau bụng

Những người có hệ tiêu hóa yếu, dễ bị lạnh bụng, ăn không tiêu... hãy "thủ” bên người túi chườm nước nóng. Túi chườm có công dụng giữ độ nóng lâu, đủ cho một quá trình làm ấm, hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tích cực hơn.

Chườm nước nóng vùng ngực giúp giảm các chứng bệnh về đường hô hấp. Điều cần nhớ là không để túi chườm trực tiếp trên da mà nên bọc cẩn thận để đạt độ ấm vừa phải.

Ngâm chân chữa bệnh

Có thể nói, cực nhọc nhất trong cơ thể là đôi chân, bởi chúng phải mang vác trọng lượng của cả cơ thể đến... cuối đời. “Vóc dáng” nhỏ nhưng tải khối lượng công việc nhiều khiến chân dễ mỏi mệt, phình to hơn vào cuối buổi chiều. Đông y còn cho rằng, bàn chân là nơi “trú ngụ” của nhiều huyệt liên quan đến lục phủ ngũ tạng. Vì vậy, ngâm chân trong nước nóng sẽ giúp kích thích các rễ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, đem lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng.

Để ngâm chân đạt kết quả tốt, bên cạnh bỏ vào nước một số mùi thảo dược ưa thích, nên chuẩn bị bình thủy châm nước (giữ nước ngâm chân ở nhiệt độ không đổi). Ngâm chân từ 5-10 phút là đủ.

Trong trường hợp chân bạn bị đau nhức, giãn tĩnh mạch, lương Y Đinh Công Bảy hướng dẫn ngâm thuốc như sau: nấu lá ngải cứu, lá lốt, hoặc gừng, sau đó đổ ra chậu, pha nước ấm, rồi ngâm chân. Ngâm xong, nằm kê cao chân và xoa bóp, vuốt ngược từ bàn chân lên đùi để máu về tim dễ dàng. Bên cạnh ngâm chân nên dùng thêm các loại thảo dược làm bền thành mạch máu như: hoa hòe, hoa cúc...

Tăng cường sức khỏe

Gần đây, không ít người cho rằng, tắm nóng - lạnh là phương pháp giúp cơ thể “tập trận”, tăng cường sức chịu đựng, tăng cường thị lực và duy trì trí nhớ... Tuy nhiên, phương pháp này chỉ dành cho các bạn “17 bẻ gãy sừng trâu” hoặc những người... luyện công.

Sau tuổi 30, hoặc có bệnh mãn tính, tim mạch... nên tắm lạnh từ từ. Khởi đầu bằng nước ấm, tiến dần đến nước mát, rồi mát lạnh. Cơ thể chịu lạnh được sẽ khó nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Đừng để thiếu nước

Miền Nam có khí hậu nóng quanh năm nên phần lớn người dân có thói quen dùng nước lạnh. Càng nóng, càng khát, càng uống nhưng khi trời lạnh thì lại... quên! Thiếu nước, cơ thể khó đưa độc tố ra ngoài, vận chuyển chất dinh dưỡng khó khăn... nên cơ thể mau mệt! Vì thế, hãy tập thói quen uống nước ấm trong mùa lạnh ngay cả khi không khát.

Cuối cùng là chăm sóc da, không ít bạn gái cho rằng, rửa mặt bằng nước nóng sẽ tốt cho da, vì thúc đẩy tế bào chết bong ra nhanh hơn, lỗ chân lông nở rộng nên sạch hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Đại học Y Dược TPHCM, nước ấm chỉ nên dùng cho những người da nhờn. Còn những người da khô, thì không nên bởi chúng sẽ “rửa trôi” lớp dưỡng da thiên nhiên (lipid trên da) khiến da càng khô hơn.

   St,

2 nhận xét:

  1. Cái này nhiều vấn đề cần cân nhắc lắm trước khi theo em ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Vì sao vậy chị? Em chưa đọc kĩ nơi. Tại muốn save vào đây ngâm cứu lại.

    Trả lờiXóa